Nguyên nhân Tranh_giành_châu_Phi

Sang thế kỷ 19, một loạt nước châu Âu lục địa tiến hành công nghiệp hóa. Các nước cần có nguồn cung cấp nguyên liệu giá rẻ và nơi tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trong giai đoạn bành trướng theo chiều rộng của nền công nghiệp non trẻ. Song chính quốc không đáp ứng được nhu cầu này, nên các cường quốc châu Âu bắt đầu đẩy mạnh chính sách xâm chiếm và khai thác thuộc địa.

Châu Âu đã từng xâm nhập châu Phi từ thế kỷ 15. Lúc đó mục đích thâm nhập chỉ là khai thác ngà voi và bắt người để buôn bán nô lệ. Nhưng với những nhu cầu mới do cách mạng công nghiệp đặt ra, các nước châu Âu có nhu cầu xâm nhập sâu hơn và muốn chiếm cứ chắc chắn hơn các miền đất của châu Phi. Họ đã cử các đội thám hiểm thâm nhập sâu trong lục địa châu Phi và đã có những phát hiện địa lý vĩ đại về lục đia này, đặt được quan hệ với một số thủ lĩnh người bản xứ, và bắt đầu tiến hành truyền đạo Cơ Đốc ở đây.

Anh quốc là nước tiến hành công nghiệp hóa sớm nhất và có tầm nhìn xa trong chính sách thuộc địa. Vào thế kỷ 19, Anh quốc đã chiếm giữ chắc chắn lục địa Ấn Độ, và vấn đề đặt ra tiếp theo là đảm bảo đường giao thông tới đó đồng thời với tìm kiếm thuộc địa mới. Năm 1815, Anh đã giành được Nam Phi từ tay Hà Lan. Nước này tiếp tục tìm cách xâm chiếm Ai Cập. Chiến lược của Anh là từ hai đầu Nam - Bắc lục địa châu Phi thâm nhập vào lục địa này.

Pháp là nước thực dân lớn thứ hai thế giới vào đầu thế kỷ 19 sau Anh. Mặc dù cuộc viễn chinh của quân đội Napoléon vào Ai Cập năm 1798 thất bại, song đến năm 1830 Pháp chiếm được Algérie và tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình ở châu Phi theo hướng từ Tây Bắc Phi và Tây Phi qua sa mạc Sahara ra phía Đông đến biển Hồng Hải.

Những hành động sớm sủa của hai cường quốc Anh và Pháp làm các cường quốc châu Âu khác sốt ruột. Sự háo hức đẩy mạnh chính sách thuộc địa ở châu Phi và những nơi khác được bộc lộ rộng khắp không chỉ trong chính giới, giới tư bản mà cả người dân thường của các nước châu Âu cho dù phần lớn trong số họ chưa từng đặt chân đến châu Phi.

Liên quan